Vảy nến là gì?
Vảy nến là một bệnh lý trong đó các tế bào da nhân lên với tốc độ nhanh gấp 10 lần so với bình thường. Điều này tạo thành những mảng đỏ tróc vảy trắng trên bề mặt da. Trên những người có màu da sậm hơn, những mảng này có thể hơi tím, với vảy xám. Chúng có thể xuất hiện ở bất kỳ đâu, nhưng thường xuất hiện nhất ở da đầu, khuỷu tay, đầu gối và vùng lưng dưới. Vảy nến không lây từ người này sang người khác. Đôi khi có thể có người trong gia đình cùng mắc bệnh.
Vảy nến có phải là bệnh mạn tính?
Có. Vảy nến thường xuất hiện ở người lớn trẻ tuổi. Ở phần lớn bệnh nhân, bệnh chỉ ảnh hưởng đến một vài vùng trên cơ thể. Ở những trường hợp nặng, vảy nến có thể ảnh hưởng một diện tích lớn trên cơ thể. Những mảng này có thể hồi phục, sau đó lại tái phát trong suốt cuộc đời.
Vảy nến là bệnh suốt đời, có thể có nhiều thời kỳ lui bệnh và bùng phát trở lại, nhưng hiện tại chưa có phương pháp nào có thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn.
Triệu chứng của bệnh vảy nến
Triệu chứng của bệnh vảy nến thay đổi tùy theo thể vảy nến của bệnh nhân. Một số triệu chứng chung phổ biến của vảy nến thể mảng (thể thường gặp nhất của bệnh vảy nến) bao gồm:
- Những mảng đỏ da, thường tróc vảy trắng bạc. Những mảng này có thể ngứa và đau, và đôi khi nứt và và chảy máu. Trong những trường hợp nghiêm trọng, những mảng này sẽ phát triển và hợp lại với nhau, ảnh hưởng những diện tích lớn trên da.
- Những rối loạn ở các móng tay và móng chân, bao gồm thay đổi màu sắc và lõm móng. Các móng cũng có thể trở nên giòn, dễ gãy hoặc tách khỏi giường móng.
- Những mảng tróc vảy hoặc đóng mài trên da đầu.
Bệnh nhân vảy nến cũng có thể bị viêm khớp, gọi là viêm khớp vảy nến. Tình trạng này gây sưng và đau các khớp. Các nghiên cứu ước tính có khoảng từ 10% đến 30% người bệnh vảy nến bị viêm khớp vảy nến.
Các thể vảy nến
Vảy nến thống thường là thể phổ biến nhất của bệnh vảy nến. Biểu hiện điển hình của bệnh là ly móng, tình trạng bản móng tách khỏi giường móng.
Các thể khác của bệnh vảy nến bao gồm:
- Vảy nến mủ: da bệnh trở nên đỏ và tróc vảy với nhiều mụn mủ li ti ở lòng bàn tay và lòng bàn chân.
- Vảy nến giọt: bệnh thường khởi phát ở trẻ em hoặc người lớn trẻ tuổi, gây nhiều đốm đỏ, nhỏ, thường tập trung ở thân mình và các chi. Các yếu tố khởi kích bệnh có thể là nhiễm trùng hô hấp, viêm họng, viêm amiđan, stress, tổn thương da, và uống các loại thuốc kháng sốt rét và beta-blocker.
- Vảy nến thể đảo nghịch: sang thương da là những tổn thương màu đỏ tươi, bóng, xuất hiện ở những vùng nếp gấp, như nách, bẹn và vùng dưới vú.
- Vảy nến đỏ da toàn thân: đỏ da lan tỏa và tróc vảy thành từng phiến. Bệnh được khởi kích bởi bỏng nắng mức độ nặng, nhiễm trùng, một số loại thuốc nhất định, hoặc tự ý ngưng điều trị. Bệnh cần được điều trị ngay lập tức vì nó có thể trở nên nghiêm trọng.
Vảy nến do nguyên nhân nào gây ra?
Cho đến thời điểm hiện tại, nguyên nhân chính xác của bệnh vảy nến vẫn chưa được biết rõ, nhưng các chuyên gia cho rằng nó là do sự tương tác của nhiều yếu tố. Rối loạn hệ thống miễn dịch gây hiện tượng viêm, kích thích các tế bào da mới tăng sinh quá nhanh. Thông thường, các tế bào da được thay thế mỗi 10-30 ngày. Trong bệnh vảy nến, các tế bào mới tăng sinh mỗi 3-4 ngày. Sự tích tụ của những tế bào già cũ bị thay thế bởi những tế bào mới tạo thành dẫn đến biểu hiện vảy trắng bạc. Nguyên nhân chính xác của vảy nến vẫn còn là bí ẩn; tuy nhiên các nhà nghiên cứu nghĩ rằng bệnh được gây ra khi có yếu tố nào đó kích thích hệ thống miễn dịch. Nhưng nó có thể là kết quả của sự tương tác giữa các yếu tố nguy cơ và yếu tố khởi kích.
Người mắc bệnh vảy nến thường có người trong gia đình cùng mắc bệnh, nhưng không nhất thiết là 2 thế hệ kế cận nhau. Ví dụ, ông ngoại và cháu trai có thể mắc bệnh, nhưng mẹ thì không.
Những yếu tố có thể khởi phát sự bùng phát bệnh vảy nến bao gồm:
- Những vết cắt, trầy xước hoặc phẫu thuật
- Stress cảm xúc
- Nhiễm trùng streptococcus
- Một số loại thuốc, bao gồm các thuốc điều trị tăng huyết áp, các thuốc kháng sốt rét, lithium và các thuốc ổn định tâm trạng khác, các loại thuốc kháng sinh, và NSAIDs.
Chẩn đoán vảy nến
Thăm khám
Bệnh thường dễ để chẩn đoán, đặc biệt nếu các sang thương da nằm ở các vị trí:
- Da đầu
- Tai
- Khuỷu tay
- Đầu gối
- Rốn
- Móng
Bác sĩ sẽ thăm khám một cách toàn diện và hỏi tiền căn gia đình có người bị vảy nến hay không.
Xét nghiệm
Bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết da-cắt lấy một mẩu da nhỏ và xét nghiệm để kiểm tra xem có phải vảy nến thực sự hay không hay là một bệnh lý nào khác trong trường hợp hình ảnh trên lâm sàng là không rõ ràng để chẩn đoán bệnh.
Điều trị bệnh vảy nến
May mắn là hiện nay đã có nhiều phương pháp để điều trị bệnh vảy nến. Một số thuốc có tác dụng làm chậm sự tăng sinh của các tế bào da mới, và các loại thuốc khác có tác dụng giúp giảm ngứa và giảm khô da. Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất với bạn tùy theo diện tích và vị trí của vùng da bệnh, tuổi, sức khỏe tổng quát và một số yếu tố khác. Các phương pháp điều trị phổ biến bao gồm:
- Thuốc thoa chứa steroid
- Dưỡng ẩm cho da khô
- Coal tar (một thành phần phổ biến để điều trị vảy nến da đầu, có dạng dầu gội, sữa tắm, lotion, kem, bọt…)
- Thuốc thoa chứa Vitamin D (Vitamin D trong các sản phẩm này sẽ mạnh hơn các loại Vitamin D thông thường trong thức ăn và thực phẩm bổ sung)
- Thuốc thoa chứa retinoids
- Các thuốc ức chế calcineurin
- Anthralin
Các phương pháp điều trị vảy nến mức độ trung bình đến nặng bao gồm;
- Liệu pháp ánh sáng. Bác sĩ sẽ chiếu tia UV lên da của bệnh nhân để làm chậm sự tăng sinh của các tế bào da. Psoralen plus ultraviolet-A radiation (PUVA) là một phương pháp điều trị kết hợp việc sử dụng một chất tên là psoralen với việc chiếu một loại tia UV đặc biệt.
- Methotrexate. Loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến tủy xương, gan, và phổi, do đó nó chỉ được sử dụng trong những trường hợp nặng, và các bác sĩ cần theo dõi sát bệnh nhân khi sử dụng loại thuốc này. Người bệnh sẽ cần phải thực hiện một số xét nghiệm, và có thể cần thêm X-quang ngực, sinh thiết gan.
- Retinoids. Đây là nhóm thuốc liên quan với Vitamin A. Retinoids có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm dị tật bẩm sinh, do đó thuốc này không được khuyến cáo để sử dụng cho phụ nữ có thai hoặc có dự định có con.
- Cyclosporin. Loại thuốc này có tác dụng ức chế hệ miễn dịch, được sử dụng để điều trị những trường hợp nặng không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác. Thuốc có thể phá hủy thận và làm tăng huyết áp, do đó bác sĩ sẽ cần phải theo dõi sát sức khỏe của bệnh nhân khi sử dụng thuốc.
- Các thuốc sinh học. Những thuốc này hoạt động bằng cách ức chế phần hoạt động quá mức của hệ miễn dịch trong bệnh vảy nến. Các loại thuốc sinh học bao gồm Adalimumab, brodalumab, certolizumab pegol, etanercept, guselkumab, infliximab, ixekizumab, secukinumab, ustekinumab…
- Các thuốc ức chế enzyme. Các thuốc này, như apremilast hoặc deucravatinib, là những loại thuốc mới để điều trị các bệnh lý viêm kéo dài, như vảy nến và viêm khớp vảy nến. Chúng ức chế một số loại enzyme, giúp làm chậm các phản ứng dẫn đến hiện tượng viêm.
- Thuốc đồng vận thụ thể AHR. Tapinarof là một thuốc thoa không chứa steroid, được sử dụng một lần/ngày, có thể sử dụng trên toàn cơ thể, kể cả những vùng da nhạy cảm.
Yếu tố nguy cơ của bệnh vảy nến.
Gen: Những chuỗi DNA nhỏ, gọi là gen, mang thông tin quy định hoạt động của tế bào. Chúng quy địh màu mắt và tóc, vị giác, và cách mà cơ thể vận hành. Một số gen chỉ hoạt động vào những thời điểm nhất định.
Khi bạn mắc bệnh vảy nến, những gen kiểm soát các tín hiệu của hệ miễn dịch bị rối loạn. Thay vì bảo vệ cơ thể của bạn khỏi sự tấn công của những tác nhân ngoại lai, chúng lại thúc đẩy phản ứng viêm và làm tăng sinh quá mức những tế bào da.
Các nhà khoa học đã tìm thấy khoảng 25 gen ở người bệnh vảy nến có đặc điểm khác biệt so với người bình thường. Nhiều hơn một gen có vai trò trong bệnh vảy nến, các nhà khoa học vẫn đang tìm xem gen nào đóng vai trò chính.
Cứ mỗi 100 người thì sẽ có khoảng 10 người có gen làm tăng nguy cơ vảy nến, nhưng chỉ có khoảng 2 đến 3 người trong số đó thực sự mắc bệnh.
Rượu bia: Những người uống nhiều rượu bia có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, đặc biệt là nam trẻ tuổi. Ngoài ra, rượu cũng có thể làm cho những phương pháp điều trị trở nên kém hiệu quả.
Hút thuốc lá: Hút thuốc là có thể làm nguy cơ mắc bệnh vảy nến tăng gấp đôi. HÚt thuốc cũng làm các triệu chứng của bệnh trở nên dai dẳng và khó hồi phục hơn. Hút thuốc lá có mối liên hệ mật thiết với thể vảy nến khó chữa tên là vảy nến mủ, thường ảnh hưởng đến lòng bàn tay và lòng bàn chân.
Các yếu tố khởi kích bệnh vảy nến
Thay đổi hormone: Bệnh thường xuất hiện hoặc bùng phát trong độ tuổi dậy thì. Mãn kinh cũng có thể khởi kích bệnh. Trong thời kỳ mang thai, các triệu chứng có thể cải thiện hoặc có thể mất đi hẳn. Nhưng sau khi sinh con, người bệnh có thể có một đợt bùng phát bệnh.
Stress: Các nhà khoa học cho rằng hệ thống miễn dịch có thể đáp ứng với những áp lực cảm xúc và tinh thần, tương tự như cách nó đáp ứng với những vấn đề vật lí, như chấn thương và nhiễm trùng.
Thuốc: Một số phương pháp điều trị có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên tệ hơn. Chúng bao gồm:
- Lithium, dùng để điều trị rối loạn lưỡng cực và những bệnh tâm thần khác.
- Các loại thuốc điều trị tăng huyết áp và những bệnh tim mạch khác, bao gồm propranolol và các loại beta-blocker khác, các thuốc ức chế men chuyển, và quinidine.
- Các thuốc kháng sốt rét, bao gồm chloroquine, hydroxychloroquine, và quinacrine
- Indomethacin, dùng để kiểm soát hiện tượng viêm.
Ngưng sử dụng steroid: Các thuốc thoa chứa steroid (các loại thuốc giúp kháng viêm) là một trong những loại thuốc phổ biến nhất được dùng để điều trị vảy nến. Nhưng chúng cũng có thể gây bùng phát triệu chứng nếu ngưng sử dụng quá đột ngột.
HIV: Vảy nến thường trở nặng vào những giai đoạn đầu tiên của nhiễm HIV, nhưng có thể cải thiện khi bắt đầu điều trị.
Những loại nhiễm trùng khác: Nhiễm trùng Streptococcus có liên quan với vảy nến giọt, trong đó sang thương da nhìn giống như những giọt nhỏ màu đỏ. Trẻ em thường có viêm họng do streptococcus trước đợt bùng phát bệnh đầu tiên. Đau tai, viêm phế quản, viêm amiđan, hoặc nhiễm trùng hô hấp như cảm thông thường hoặc cảm cúm cũng có thể là những yếu tố khởi phát bệnh.
Ánh nắng: Một ít ánh sáng mặt trời có thể tốt cho những bệnh nhân vảy nến. Nhưng đối với một số người, ánh nắng làm cho tình trạng bệnh trở nên nặng hơn, đặc biệt khi bỏng nắng. Do đó, người bệnh cần che chắn da cẩn thận khi ra ngoài.
Tổn thương da: Vết cắt, trầy xước, côn trùng cắn, nhiễm trùng, hoặc cào gãi quá mức có thể làm bệnh trở nặng.
Cân nặng: Những người béo phì thường có mảng vảy nến ở những vùng nếp gấp da trên cơ thể.
Thời tiết: Vảy nến có thể trở nặng vào mùa đông. Không khí khô, ít ánh nắng mặt trời, và nhiệt độ thấp có thể làm cho triệu chứng nặng hơn. Giữ ẩm da, và sử dụng máy tạo độ ẩm ở nhà.
Bệnh vảy nến có thể điều trị dứt điểm được hay không?
Hiện tại chưa có phương pháp điều trị dứt điểm, nhưng điều trị có thể giảm triệu chứng, kể cả những trường hợp nặng. Các nghiên cứu gần đây đã cho thấy khi kiểm soát tốt hiện tượng viêm trong bệnh vảy nến, nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, hội chứng chuyển hóa, và các bệnh khác liên quan đến hiện tượng viêm cũng giảm xuống.
Một số thống kê về bệnh vảy nến
- Bệnh vảy nến ảnh hưởng:
- 2% đến 3% dân số trên thế giới
- Khoảng 3% dân số ở Mỹ
- Một số chủng tộc mắc bệnh nhiều hơn những chủng tộc khác. Trên thế giới, vảy nến phổ biến nhất ở phía Bắc của Châu Âu và ít phổ biến nhất ở Đông Á.