Bạch biến là gì?

Bạch biến đặc trưng bởi sự phát triển của các vùng da bị mất màu, bao gồm vùng mắt, tóc và có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, giới tính hoặc chủng tộc khác nhau. Vùng da bạch biến rất nhạy cảm với ánh sáng.

VẬY BẠCH BIẾN LÀ GÌ? 

  • Bạch biến là tình trạng những vùng da bị mất màu.
  • Các vùng da bị ảnh hưởng bởi bạch biến có thể thay đổi từ người này sang người khác, bao gồm vùng mắt, trong miệng và tóc. Đối với hầu hết các trường hợp mắc bệnh, vùng da bị ảnh hưởng duy trì sự mất màu này đến suốt đời.
  • Các sang thương có tình trạng nhạy cảm với ánh sáng hơn so với người bình thường.
  • Rất khó để dự đoán rằng liệu các vùng sang thương da sẽ tiến triển lan rộng tới đâu. Diễn tiến có thể kéo dài hàng tuần hoặc ổn định trong vòng vài tháng đến vài năm.
  • Sang thương sáng màu có xu hướng dễ bị nhìn thấy hơn ở những người da đen hoặc da nâu.

TRIỆU CHỨNG:

  • Triệu chứng duy nhất của bạch biến là sự xuất hiện của các đốm hay khoảng da sáng màu, phẳng. Đốm da màu trắng xuất hiện đầu tiền thường ở những vùng da phơi bày với ánh sáng.
  • Chúng bắt đầu là những đốm nhỏ, nhạt màu hơn những vùng da khác trên cơ thể, nhưng qua một thời gian, những đốm này trở nên càng nhạt dần hơn rồi chuyển thành màu trắng.
  • Các vùng da này thường không bất thường về hình dáng. Bờ của sang thương đôi lúc có viêm với hiện tượng đỏ da (xuất hiện ở tất cả tone da), đôi lúc dẫn đến ngứa.
  • Tuy nhiên, điển hình thì các sang thường này không gây bất kì khó chịu, kích thích, đau hay khô rát nào trên da.
  • Sự ảnh hưởng bệnh lý này khác nhau giữa các cá thể. Ví dụ, một vài người chỉ xuất hiện vài đốm trắng nhỏ mà không tiến triển gì thêm, trong khi đó những người khác có thể phát triển những khoảng da trắng lớn hơn, hợp lại với nhau và ảnh hưởng đáng kể lên các vùng da trên cơ thể.

NGUYÊN NHÂN:

  • Nguyên nhân sinh bệnh bạch biến vẫn còn chưa biết rõ, tuy nhiên có một vài giả thuyết đã được đặt ra
  • Một vài nguyên nhân bao gồm:
  • Di truyền (gen): ước tính có khoảng 20% bệnh nhân bạch biến có họ hàng thế hệ 1 (cha, mẹ, anh, chị, em ruột) cũng bị tình trạng bệnh tương tự.
  • Đáp ứng tự miễn: hệ miễn dịch của cơ thể tấn công và giết các tế bào melanocyte.
  • Quá trình stress oxy hóa: khi cơ thể có sự mất cân bằng giữa các phân tử O2 và chất chống oxy hóa, có thể dẫn đến bạch biến.
  • Yếu tố môi trường: như các stress về cảm xúc, bỏng nắng, phơi nhiễm với hóa chất.

ĐIỀU TRỊ:

Học viện Da liễu Hoa Kỳ (American Academy of Dermatology (AAD)) xem bạch biển hơn cả vấn đề về thẩm mỹ, là vấn đề sức khỏe cần quan tâm về mặt y khoa.

Nhiều phương pháp chữa bệnh có thể giúp giảm tình trạng bệnh, mặc dù một số bệnh nhân không có nhu cầu điều trị gì cả.

  • Sử dụng kem chống nắng:

AAD khuyến cáo sử dụng kem chống nắng bởi vì các vùng da nhạt màu này đặc biệt nhạy cảm với ánh nắng mặt trời và rất dễ bị bỏng nắng. Xin ý kiến tham vấn từ bác sĩ da liễu để được hướng dẫn sản phẩm phù hợp với từng loại da khác nhau.

  • Liệu pháp ánh sáng UVB:

Đèn sử dụng ánh sáng UVB là một lựa chọn điều trị phổ biến. Tuy nhiên, điều trị tại nhà đòi hỏi cần có một cái đèn nhỏ và sử dụng thường xuyên hàng ngày sẽ hiệu quả tốt hơn.

Nếu bệnh nhân đến phòng khám để điều trị, họ cần 2–3 lần/ tuần, và thời gian điều trị sẽ kéo dài hơn.

Nếu các đốm trắng lan rộng các vùng của cơ thể, ánh sáng UVB có thể hữu ích khi điều trị toàn thân tại bệnh viện.

Sử dụng ánh sáng UVB kết hợp với các điều trị khác, có thể đạt hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, kết quả thực sự thì không thể dự đoán trước được và vẫn không phải là phương pháp có thể tái tạo sắc tố hoàn toàn.

  • Liệu pháp ánh sáng UVA:

Thực hiện ở các cơ sở chăm sóc sức khỏe, điều trị bằng tia UVA liên quan đến việc bệnh nhân dùng thuốc làm tăng nhạy cảm da với ánh sáng UV. Sau đó, hàng loạt các phương pháp điều trị, vùng da bị ảnh hưởng sẽ được chiếu ánh sáng UVA liều cao.

Theo một bài phân tích tổng hợp năm 2017, bệnh sẽ cải thiện rõ ràng sau 6-12 tháng thực hiện liệu pháp.

  • Trang điểm:

Trong khi một số người cảm thấy không phiền hà gì về tình trạng bạch biến của họ, thì những người khác lại carmt hấy không dễ chịu với màu da bất thường này. Trong những trường hợp bạch biến nhẹ, bệnh nhân có thể che phủ những khoảng trắng này với các loại kem và sản phẩm trang điểm có màu. Họ nên lựa chọn tone màu thích hợp với loại da của mình.

  • Tẩy màu da:

Là một sự lựa chọn khi các vùng da bị ảnh hưởng quá rộng, hơn một nửa cơ thể và thực hiện bằng cách tẩy màu các vùng da bình thường nhằm đồng bộ hóa màu da với vùng da bệnh màu trắng.

Tẩy màu da bằng các sử dụng các dạng lotion thoa hay mỡ thoa, như monobenzone, mequinol, hoặc hydroquinone.

Điều trị lâu dài, và da có thể trở nên yếu ớt hơn. Thêm vào đó, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trên diện rộng cần phải tránh. Quá trình này cần 12-14 tháng, phụ thuộc vào tone da gốc của bệnh nhân.

  • Thuốc thoa corticosteroids:

Corticosteroids ointments là kem có chứa steroids. Theo bài review năm 2017 đã kết luận rằng thoa corticosteroids vào các vùng da màu trắng là điều trị rất hiệu quả. Tuy nhiên, không được thoa lên vùng mặt vì tác dụng phụ gây teo da, giãn mạch và phát ban mụn trứng cá.

  • Calcipotriene (Dovonex):

Calcipotriene là một dạng vitamin D được sử dụng dạng mỡ thoa cùng với corticosteroids hoặc ánh sáng liệu pháp. Tác dụng phụ bao gồm ngứa, đỏ, bỏng rát.

  • Những thuốc ảnh hưởng lên hệ thống miễn dịch:

Dạng thuốc mỡ bao gồm tacrolimus hoặc pimecrolimus, được biết đến là thuốc ức chế calcineurin, có thể tốt cho những sang thương mất màu nhỏ hơn. Tuy nhiên, cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (United States (U.S.) Food and Drug Administration (FDA)) cảnh báo mối liên quan giữa những loại thuốc này và ung thư da và lymphoma.

  • Psoralen:

Psoralen có thể được sử dụng với ánh sáng liệu pháp UVA hoặc UVB, chất khiến cho da nhạy cảm hơn với tia UV. Khi da lành lại, màu sắc điển hình của da đôi khi sẽ trở lại. Điều trị cần lặp lại 2-3 lần/ tuần trong 6-12 tháng.

Psoralen làm tăng nguy cơ tổn thương da và ung thư da trong thời gian dài. Thêm vào đó, thuốc không được khuyến cáo cho trẻ em dưới 10 tuổi.

  • Ghép da:

Khi ghép da, phẫu thuật viên sẽ lấy vùng da còn sắc tố một cách cẩn thận và sử dụng nó để phủ lên vùng da bệnh.

Thủ thuật này không quá phổ biến vì tốn nhiều thời gian và có thể để lại sẹo tại vùng da đó.

Ghép bóng nước bao gồm tạo một bóng nước ở vùng da bình thường bằng cách hút. Trần của bóng nước sau đó được lấy ra và đặt vào vị trí da mất sắc tố.

  • Xăm da:

Xăm da y khoa bao gồm cấy chất nhuộm màu vào da và vùng da đáp ứng tốt nhất là quanh môi, đặc biệt ở người da tối màu.

Bất lợi gặp phải là khó phù hợp với màu da và thực tế là màu xăm sẽ mờ đi. Đôi khi, tổn thương da do xăm có thể kích hoạt tạo nên một sang thương bạch biến khác.

CHẨN ĐOÁN: 

  • Bạch biến có thể xuất hiện ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng thường xuất hiện trước tuổi 20 và thường xuất hiện sớm lúc thời thơ ấu.
  • Khi bệnh nhân cần đến sự điều trị từ bác sĩ, họ sẽ hỏi về tiền căn gia đình và thăm khám lâm sàng, đặc biệt là ở vùng da.
  • Bác sĩ có thể sử dụng ánh sáng xanh, đèn UV chiếu lên da, nhằm giúp xác định rõ hơn vùng da giảm sắc tố khi vùng da này trắng bệch dưới ánh sáng đèn chiếu.

PHÂN LOẠI:

Có 2 kiểu bạch biến: phân đoạn và không phân đoạn.

Bạch biến không phân đoạn:

Nếu sang thương màu trắng xuất hiện đầu tiên là đối xứng thì gợi ý đến bạch biến không phân đoạn. Sự tiến triển có thể chậm hơn nếu các sang thương da chỉ ở một vùng cơ thể.

Bạch biến không phân đoạn là dạng thường gặp hơn.

Các khoảng da xuất hiện tương ứng ở cả 2 bên cơ thể, đối xứng. Ngoài ra , chúng thường xuất hiện ở vùng da thường tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, như mặt, cổ và tay.

Các vùng da thường gặp bao gồm:

  • Lưng bàn tay
  • Cánh tay
  • Mắt
  • Đầu gối
  • Cùi chỏ
  • Bàn chân
  • Miệng
  • Nách và vùng bẹn
  • Mũi
  • Rốn
  • Vùng sinh dục và quanh hậu môn

Bạch biến không phân đoạn chia thành các dạng nhỏ hơn dưới nhóm, bao gồm:

  • Lan tỏa: không có vị trí hoặc kích thước sang thương đặc trưng.
  • Đầu chi – mặt: xuất hiện chủ yếu ở mặt, đầu, vùng quanh sinh dục và đầu các ngón tay hoặc ngón chân.
  • Niêm mạc: xuất hiện hầu hết vùng quanh màng niêm mạc và môi.
  • Toàn thân: mất sắc tố toàn bộ cơ thể, rất hiếm.
  • Khu trú: vài khoảng da màu trắng rải rác phát triển ở các vùng da riêng biệt. Thường xuất hiện ở trẻ em.

Bạch biến phân đoạn:

Bạch biến phân đoạn lan rộng nhanh hơn nhưng được coi là ổn định hơn và ít thất thường hơn loại không phân đoạn. Theo một bài báo review năm 2020, dạng này ít phổ biến hơn nhiều và chỉ ảnh hưởng đến khoảng 5-16% số người mắc bệnh bạch biến.

Hơn thế nữa, nó thường xuất hiện xung quanh khoảng tuổi từ 4-10 tuổi và chỉ ảnh hưởng 1 vùng cơ thể.

Bạch biến phân đoạn thường ảnh hưởng vùng da liên quan đến dây thần kinh phát triển ở rễ sau cột sống. Dạng này đáp ứng tốt với phương pháp điều trị tại chỗ.

YẾU TỐ NGUY CƠ: 

Một người sẽ tăng nguy cơ mắc bạch biến nếu họ có tiền căn gia đình mắc tình trạng tương tự. Tuy nhiên, bệnh lý tự miễn cũng liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh. Khoảng 15-25% bệnh nhân bạch biến mắc bệnh lý tự miễn khác.

Các tình trạng bệnh lý bao gồm:

  • Đái tháo đường
  • Bệnh lý tuyến giáp
  • Bệnh Addison
  • Thiếu máu ác tính
  • Vảy nến
  • Viêm khớp dạng thâos
  • Lupus ban đỏ hệ thống

BIẾN CHỨNG:

Bạch biến không phát triển thành bệnh lý khác, nhưng người bệnh thường sẽ chịu đựng tình trạng:

  • Đau do bỏng nắng
  • Mất thính giác
  • Thay đổi thị lực và sự tạo nước mắt, như viêm mống mắt
  • Kỳ thị xã hội và stress về mặt tinh thần
  • Tăng nguy cơ ung thư da

Hầu hết bệnh nhân bạch biến không bị các triệu chứng kể trên, nhưng khám bác sĩ để kiểm tra là cần thiết để loại trừ các tình trạng này.

Vượt qua những thách thức từ xã hội

Nếu các vùng da bệnh có thể nhìn thấy được, sự kì thị từ xã hội đối với bệnh bạch biến có thể khiến việc giải quyết bệnh khó khăn hơn. Xấu hổ có thể dẫn đến các vấn đề về lòng tự trọng, và trong một số trường hợp có thể dẫn đến lo âu, trầm cảm.

Nâng cao nhận thức bệnh nhân là một ví dụ, bằng cách nói chuyện với bạn bè về bệnh và tìm kiếm những tấm gương điển hình mắc bệnh bạch biến, có thể giúp người bệnh vượt qua những khó khăn này. Sự kết nối với những người bệnh bạch biến khác cũng có thể hữu ích.

Bất cứ ai mắc bệnh này có các triệu chứng lo âu và trầm cảm nên được tham vấn với bác sĩ da liễu để được giúp đỡ.

TIÊN LƯỢNG

Bạch biến không gây chết người, và người bệnh bạch biến hoàn toàn có thể sống một cuộc sống vui, khỏe.

Tuy nhiên, chẩn đoán vẫn còn thách thức trong một vài trường hợp, đặc biệt ở các bệnh nhân tự ti. Một vài người có mối lo ngại về ngoại hình, đặc biệt là khi chúng tiến triển thành một vùng lớn trên cơ thể, điều này có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Tình trạng bệnh có thể tiến trển thành bệnh lý thứ phát, như viêm ở tai hay mắt.

Bệnh sắc tố Riehl (Viêm da tiếp xúc tăng sắc tố – Pigmented Contact Dermatitis)
Chế độ ăn cho người bị mụn trứng cá
Menu