Lupus ban đỏ hệ thống là gì?
Lupus ban đỏ hệ thống (Systemic lupus erythematosus hay SLE), là thể phổ biến nhất của lupus. SLE là một bệnh tự miễn, xảy ra do hệ miễn dịch tự tấn công các cấu trúc của cơ thể, gây nên hiện tượng viêm lan rộng và phá hủy mô ở các cơ quan. Bệnh có thể ảnh hưởng các khớp, da, não, phổi, thận và các mạch máu. Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có phương pháp nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh lupus, nhưng một số phương pháp điều trị và thay đổi lối sống có thể giúp kiểm soát bệnh.
Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống có nguy hiểm không?
Độ nặng của bệnh lupus rất thay đổi, có thể từ nhẹ đến đe dọa tính mạng. Bệnh nên được điều trị bởi các bác sĩ chuyên điều trị Lupus ban đỏ hệ thống. Người bệnh lupus có thể cải thiện các chức năng và chất lượng cuộc sống rất nhiều nếu được điều trị đúng và tuân theo các hướng dẫn của bác sĩ.
Nguyên nhân của bệnh Lupus ban đỏ hệ thống là gì?
Hiện tại nguyên nhân gây nên SLE vẫn chưa rõ ràng, nhưng dường như bệnh có liên quan đến các yếu tố môi trường, di truyền và nội tiết.
Biểu hiện lâm sàng của Lupus ban đỏ hệ thống?
Các bệnh nhân SLE có thể có biểu hiện rất đa dạng, bao gồm mệt mỏi, phát ban ở da, sốt, và sưng đau hoặc sưng các khớp. Ở những bệnh nhân người lớn, có thể có những giai đoạn triệu chứng trở nên nặng nề hơn, còn gọi là đợt bùng phát. Những đợt bùng phát này có thể xảy ra thường xuyên hoặc vài năm một lần, với các triệu chứng giảm đi giữa các đợt, còn gọi là giai đoạn lui bệnh. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể có tần suất xảy ra các đợt bùng phát thường xuyên hơn rất nhiều.
Một số triệu chứng khác có thể có bao gồm nhạy cảm ánh sáng mặt trời, loét miệng, viêm khớp, các vấn đề ở phổi, tim, thận, co giật, loạn thần, và các bất thường tế bào máu và hệ miễn dịch.
Lupus ban đỏ hệ thống có thể có những biến chứng nào?
SLE có thể có các ảnh hưởng ngắn hạn và lâu dài. Việc chẩn đoán sớm và điều trị hiệu quả giúp hạn chế các tác động phá hủy của bệnh và tăng khả năng có chất lượng cuộc sống tốt hơn. Chẩn đoán trễ và điều trị không hiệu quả, không tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ có thể làm cho bệnh diễn tiến xấu, xảy ra nhiều biến chứng và tăng nguy cơ tử vong.
SLE có thể ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần và giao tiếp xã hội của bệnh nhân. Những vấn đề này ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt khi bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi. Mệt mỏi là triệu chứng phổ biến nhất gây tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống của các bệnh nhân SLE.
Nhiều nghiên cứu sử dụng tỉ lệ có việc làm để đánh giá ảnh hưởng của bệnh lupus lên chất lượng cuộc sống của người bệnh. Các nghiên cứu cho thấy thời gian mắc bệnh càng dài thì khả năng thất nghiệp càng cao. Trung bình, chỉ có 46% số người mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống trong độ tuổi lao động có việc làm.
Người bệnh SLE thường gặp phải vấn đề trong việc tuân thủ điều trị, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (15 đến 44 tuổi). Điều trị SLE có thể cần phải sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch, các thuốc này có thể có nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Các bệnh nhân nữ cần ngưng sử dụng các loại thuốc này trước và trong thời gian mang thai để bảo vệ thai nhi khỏi độc tính của thuốc.
Phụ nữ bị SLE có thể có thai bình thường không?
Các bệnh nhân nữ có thể có thai một cách an toàn và bình thường, thai nhi khỏe mạnh trong hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên tất cả các bệnh nhân nữ bị lupus mang thai cần được xếp vào nhóm ‘thai kỳ có nguy cơ cao’.
SLE được chẩn đoán như thế nào?
SLE được chẩn đoán bởi bác sĩ chuyên khoa, thông qua việc đánh giá các triệu chứng, thăm khám, với sự hỗ trợ của Xquang và một số xét nghiệm khác. Lupus có thể khó chẩn đoán trong một số trường hợp, đặc biệt ở giai đoạn sớm của bệnh do các triệu chứng và dấu hiệu thăm khám trong giai đoạn này không đặc hiệu, còn có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác. SLE có thể bị chẩn đoán nhầm nếu chỉ dùng xét nghiệm máu để chẩn đoán. Vì việc chẩn đoán có thể khó khăn, người bệnh cần được khám bởi bác sĩ chuyên khoa để đưa ra chẩn đoán chính xác.
Ai có nguy cơ bị SLE?
SLE có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, kể cả ở trẻ em. Tuy nhiên, phụ nữ ở độ tuổi sinh sản (từ 15 đến 44 tuổi) có nguy cơ mắc Lupus ban đỏ hệ thống cao nhất. Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn rất nhiều so với nam giới.
Người da trắng ít mắc bệnh hơn so với các chủng tộc khác.
Lupus ban đỏ hệ thống có di truyền không?
Phần lớn bệnh nhân SLE không có người thân cùng mắc bệnh. Tuy nhiên, một số người mắc bệnh có tiền căn gia đình cũng mắc phải bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Người có người thân trực hệ trong gia đình chỉ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn một ít so với dân số chung.
SLE được điều trị như thế nào?
Điều trị bệnh Lupus ban đỏ hệ thống thường cần một nhóm các bác sĩ phối hợp điều trị do nhiều cơ quan có thể bị ảnh hưởng cùng lúc.
Điều trị SLE đa phần cần sử dụng các thuốc ức chế hệ miễn dịch. Hydroxychloroquine và corticosteroids (ví dụ nhưu prednisone) thường được sử dụng để điều trị SLE. FDA đã phê duyệt thuốc belimumab vào năm 2011, đây là thuốc mới đầu tiên sẽ được dùng để điều trị SLE trong vòng hơn 50 năm nay.
SLE cũng có thể xảy ra đồng thời với các rối loạn tự miễn khác và cần được điều trị hỗ trợ, như hội chứng Sjogren’s, hội chứng kháng phospholipid, viêm giáp, thiếu máu tán huyết, và xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.
Một số thể lupus khác
Lupus ban đỏ hệ thống là thể phổ biến nhất và nghiêm trọng nhất của lupus. Các thể khác của lupus bao gồm:
Lupus da: là thể lupus ảnh hưởng đến da, biểu hiện là phát ban hoặc sang thương da. Thể lupus này có thể ảnh hưởng bất kì vùng da nào trên cơ thể, nhưng thường người bệnh bị tổn thương ở những vùng da phơi bày trực tiếp với ánh sáng mặt trời.
Lupus do thuốc: Tương tự như lupus ban đỏ hệ thống, nhưng xảy ra do sự phản ứng quá mức của cơ thể với một số loại thuốc nhất định. Các triệu chứng thường xảy ra 3 đến 6 tháng sau khi bắt đầu sử dụng một loại thuốc, và mất dần đi khi ngưng sử dụng thuốc.
Lupus sơ sinh xảy ra khi trẻ nhận kháng thể từ mẹ bị lupus ban đỏ hệ thống trong thời kỳ mang thai. Các rối loạn ở da, gan và máu sẽ mất đi trong vòng 6 tháng, nhưng rối loạn nghiêm trọng nhất-block tim bẩm sinh-cần được đặt máy tạo nhịp và có tỉ lệ tử vong khoảng 20%.