Bệnh Zona – Những điều bạn nên biết?

Bạn có thể nghĩ về bệnh zona như một tình trạng nhiễm trùng diễn ra hai lần. Bất cứ ai mắc bệnh này đều đã mắc bệnh thủy đậu trước đó, thường là hàng chục năm trước đó.

Hình ảnh bệnh nhân bệnh zona vùng bụng

Hai tình trạng này đến từ cùng một loại vi-rút, được gọi là varicella zoster.

Thủy đậu gây ra các mụn nước ngứa có thể bắt đầu ở lưng, ngực và mặt rồi lan ra các phần còn lại của cơ thể. Bệnh zona là một chứng phát ban với cơn đau như búa bổ. Nó xuất hiện ở một bên cơ thể của bạn, thường là ở một khu vực cụ thể.

Phát ban bệnh zona bắt đầu như một đám sưng nhỏ. Những vết sưng này trông khác với vùng da xung quanh và biểu hiện khác nhau trên các tông màu da khác nhau. Trên da sẫm màu, chúng có thể có màu hồng, xám, tím hoặc nâu. Trên da sáng hơn, các vết sưng xuất hiện màu đỏ. Các vết sưng sẽ trở thành mụn nước chứa đầy chất lỏng, cũng khác nhau về biểu hiện. Chúng có thể có màu đỏ, tím, nâu hoặc xám, tùy thuộc vào màu da của bạn. Các mụn nước thường khô và đóng vảy trong vòng 7 đến 10 ngày.

Các triệu chứng của bệnh zona là gì?

Các dấu hiệu ban đầu của bệnh zona bao gồm:

  • Hạch bạch huyết phì đại
  • Cụm mụn nước nhỏ xuất hiện một cách tự nhiên
  • Cơn đau nhói, đau buốt
  • Cảm giác ngứa ran hoặc nóng rát trong hoặc dưới da

Hãy nhanh chóng gọi cho bác sĩ nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu nào trong số này. Không có cách chữa bệnh zona. Nhưng việc điều trị có thể làm giảm nguy cơ biến chứng, bao gồm cả cơn đau kéo dài sau khi hết phát ban, được gọi là chứng đau dây thần kinh hậu zona.

Ban zona trông khác với vùng da xung quanh và biểu hiện khác nhau trên các tông màu da khác nhau. Trên da đen hoặc nâu, chúng có thể có màu hồng, xám, tím hoặc nâu.

Nguyên nhân gây ra bệnh zona?

Khi vi-rút varicella zoster xâm nhập vào cơ thể bạn, vấn đề đầu tiên nó gây ra là bệnh thủy đậu. Bạn có thể nghĩ đây là bệnh khi tuổi nhỏ, nhưng người lớn cũng có thể mắc bệnh này. Sau khi bệnh thủy đậu diễn ra, vi-rút di chuyển vào các mô thần kinh gần tủy sống và não của bạn, nơi vi-rút trú ngụ. Chúng ta không biết tại sao, nhưng đôi khi, nhiều năm sau, vi-rút “thức dậy” và di chuyển dọc theo các sợi thần kinh đến da của bạn. Đó là khi nó gây tình trạng thứ hai: bệnh zona, còn được gọi là herpes zoster.

Yếu tố nguy cơ của bệnh zona là gì?

Một hệ thống miễn dịch suy yếu có thể đánh thức virus. Sau khi bị thủy đậu, bạn có nhiều khả năng bị bệnh zona nếu bạn:

  • Từ 50 tuổi trở lên
  • Đang chịu nhiều stress
  • Mắc ung thư, HIV hoặc một bệnh khác làm giảm khả năng phòng vệ của cơ thể bạn
  • Chấn thương nghiêm trọng trước đó
  • Dùng steroid kéo dài hoặc các loại thuốc khác có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn
  • Không được tiêm phòng thủy đậu khi còn nhỏ hoặc khi lớn
  • Đủ điều kiện nhưng không chủng ngừa bệnh zona.

Nhưng nhiều người bị bệnh zona không có bất kỳ yếu tố nào trong số này.

Các biến chứng của bệnh zona?

Bệnh zona có thể có các biến chứng kéo dài sau khi hết phát ban, bao gồm:

  • Viêm não hoặc liệt mặt nếu nó ảnh hưởng đến một số dây thần kinh
  • Các vấn đề về mắt và giảm thị lực nếu phát ban ở trong hoặc xung quanh mắt
  • Đau kéo dài sau khi bùng phát, được gọi là đau dây thần kinh hậu zona. Cứ 5 người bị bệnh zona có 1 người bị ảnh hưởng.

Bệnh zona có lây không?

Có. Bạn có thể lây lan vi rút thủy đậu cho những người chưa bao giờ mắc bệnh thủy đậu và chưa được tiêm phòng.

Bạn dễ lây lan cho đến khi tất cả các vết loét đóng vảy. Cho đến lúc đó, hãy tránh tiếp xúc phụ nữ mang thai có thể chưa bị thủy đậu hoặc tiêm vắc-xin, những người có hệ thống miễn dịch yếu và trẻ sơ sinh.

Chủng ngừa bệnh zona

Vắc xin chủng ngừa Shingrix được coi là có hiệu quả hơn 90%. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh khuyến nghị dùng hai liều Shingrix để phòng ngừa bệnh zona và các biến chứng của nó ở người lớn khỏe mạnh từ 50 tuổi trở lên cũng như những người từ 18 tuổi trở lên đang hoặc sẽ bị suy giảm miễn dịch hoặc ức chế miễn dịch do bệnh hoặc do liệu pháp điều trị. Bạn nên tiêm ngay cả khi bạn đã từng bị bệnh zona trước đó. Bạn cũng nên tiêm ngay cả khi bạn đã tiêm vắc xin Zostavax trước đó, loại vắc xin này đã bị loại khỏi thị trường vào năm 2020.

Chẩn đoán bệnh zona

Bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh zona bằng cách hỏi về tiền sử bệnh và các triệu chứng của bạn và qua thăm khám. Họ cũng có thể xét nghiệm mẫu dịch từ mụn nước của bạn.

Điều trị bệnh zona

Thuốc kháng vi-rút có thể giúp hồi phục nhanh hơn và giảm nguy cơ biến chứng. Chúng có hiệu quả nhất nếu bạn dùng trong vòng 3 ngày kể từ khi bắt đầu phát ban, vì vậy hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Bạn có thể sẽ được dùng một trong ba loại thuốc sau để chống lại vi-rút:

  • Acyclovir (Zovirax)
  • Famciclovir (Famvir)
  • Valacyclovir (Valtrex)

Các phương pháp điều trị đau do zona có thể bao gồm:

  • Thuốc chống co giật như gabapentin (Neurontin)
  • Chườm mát
  • Kem dưỡng da
  • Thuốc gây tê như lidocaine
  • Thuốc không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen
  • Thuốc giảm đau kê đơn như codeine
Nổi mề đay
Lupus ban đỏ
Menu