Nhọt là gì?

Nhọt là một bệnh nhiễm trùng phổ biến, gây đau ở nang lông và vùng da xung quanh. Khởi đầu là một nốt/cục màu đỏ, sau đó đầy mủ khi các tế bào bạch cầu tiến vào vùng bệnh nhằm chống lại nhiễm trùng. Chăm sóc tốt tại nhà thường có thể làm sạch một nốt nhọt đơn độc, còn được gọi là áp xe da. Cần có sự chăm sóc của bác sĩ khi nhọt kháng trị hoặc phát triển ở một số vùng nhạy cảm của cơ thể.

TRIỆU CHỨNG NHỌT?

Nhọt thường có kích thước bằng hạt đậu, nhưng có thể to bằng quả bóng gôn. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Sưng, đỏ và đau
  • Trung tâm sang thương/ngòi màu trắng hoặc vàng
  • Rỉ dịch hoặc đóng mài

Bạn cũng có thể có cảm giác ốm yếu, mệt mỏi hoặc sốt, đó là lý do cần thăm khám bác sĩ.

NHỌT HÌNH THÀNH Ở ĐÂU?

Nhọt có thể hình thành ở bất cứ đâu trên cơ thể, nhưng chúng phổ biến nhất ở mặt, cổ, nách, vai, lưng và mông. Các khu vực nhiều lông, đổ mồ hôi là những vị trí điển hình, cũng như các khu vực ma sát, chẳng hạn như đùi trong. Nhọt cũng có thể phát triển quanh tai hoặc gần mũi. Cơn đau thường trầm trọng hơn khi mủ tích tụ dưới da, sau đó giảm bớt khi dịch bắt đầu chảy ra.

NGUYÊN NHÂN GÂY NHỌT?

Hầu hết mụn nhọt là do tụ cầu khuẩn ( Staphylococcus aureus ) gây ra, mà nhiều người khỏe mạnh mang trên da hoặc trong mũi mà không gặp vấn đề gì. Khi một vết xước, vết cắt hoặc mảnh vụn làm vỡ da, vi khuẩn có thể xâm nhập vào nang lông và bắt đầu nhiễm trùng. Những loại nhọt khác, chẳng hạn như mụn trứng cá, phát triển từ lỗ chân lông bị tắc và bị nhiễm trùng.

NHỌT THÔNG THƯỜNG HAY NHIỄM TRÙNG MRSA?

MRSA có thể trông giống hệt như nhọt bình thường: đỏ, sưng, chứa đầy mủ và mềm nhạy đau. Nhưng nhiễm trùng MRSA là do một loại tụ cầu đặc biệt kháng nhiều loại kháng sinh gây ra. Nếu nhiễm trùng da lan rộng hoặc không cải thiện sau 2-3 ngày dùng kháng sinh, bác sĩ có thể nghi ngờ MRSA. Điều trị đúng cách được đưa ra kịp thời là rất quan trọng để chữa lành nhiễm trùng MRSA và ngăn ngừa nhiễm trùng sâu hơn, nguy hiểm hơn.

NHỌT LÀ BỆNH LÂY?

Không chính xác, nhưng vi trùng gây mụn nhọt (tụ cầu khuẩn) rất dễ lây lan qua tiếp xúc da kề da và các vật dụng bị ô nhiễm. Những vi khuẩn này thường không gây hại trừ khi chúng tìm thấy vết nứt trên da. Để tránh lây lan tụ cầu khuẩn, không dùng chung khăn tắm, giường ngủ, quần áo hoặc dụng cụ thể thao khi bạn bị nhọt. Tránh chạm vào nhọt và bịt kín nhọt. Rửa tay thường xuyên cũng có thể giúp ngăn ngừa vi khuẩn lây lan.

CẢNH BÁO SỚM: VIÊM NANG LÔNG

Viêm nang lông là tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng nang lông có thể phát triển thành nhọt. Mụn nhỏ với đầu trắng xuất hiện xung quanh từng sợi lông, đôi khi được bao quanh bởi vùng da đỏ. Nó có thể ngứa, mềm và khó chịu, nhưng thường không đau hoặc sâu như nhọt. Cạo râu hoặc ma sát từ quần áo chật có thể khiến vi khuẩn tụ cầu trượt dưới da — nguyên nhân phổ biến nhất của cả viêm nang lông và nhọt.

LOẠI NHỌT

  • Nhọt cụm (Carbuncle):

Khi một số nhọt hình thành gần nhau và liên kết bên dưới da, nó được gọi là nhọt cụm. Chúng thường được tìm thấy nhiều nhất ở lưng và cổ, nhưng có thể phát triển ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Đàn ông có nhiều khả năng phát triển nhọt cụm hơn phụ nữ. Nhọt cụm có xu hướng nằm sâu dưới da hơn so với nhọt và có thể mất nhiều thời gian hơn để lành sang thương.

  • Mụn nang (Cystis acne)

Mụn nang là một loại áp xe da hình thành khi dầu và tế bào da chết làm tắc nghẽn nang lông, tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Nó ảnh hưởng đến mô da sâu hơn so với mụn trứng cá thông thường, dẫn đến tạo thành nang cứng và đau. Tình trạng này phổ biến nhất trên mặt và vai và thường xảy ra ở tuổi thiếu niên.

  • Nách và vùng bẹn

Khi các nốt và áp xe chứa đầy mủ phát triển lặp đi lặp lại ở những vùng này của cơ thể, đó có thể là một tình trạng mãn tính được gọi là viêm tuyến mồ hôi nung mủ. Nhiễm trùng bắt đầu ở các tuyến mồ hôi nước và nang lông bị tắc nghẽn. Các trường hợp nhẹ có thể tự lành bằng cách chăm sóc tại nhà. Một số loại thuốc và phương pháp điều trị có hiệu quả cho các trường hợp nghiêm trọng hơn và tái phát.

  • Áp xe lông

Khi nhọt hình thành trên da ngay trên nếp gấp mông, đó có thể là áp xe lông. Lông được cho là đóng một vai trò nào đó, sự kích thích, áp lực và ngồi lâu cũng có thể góp phần vào sự phát triển của nang ở vị trí này. Nếu nang bị viêm và nhiễm trùng, nó sẽ trở thành áp xe. Một số trẻ em được sinh ra với “lúm đồng tiền ở chân lông vùng cùng cụt”, nơi nhiễm trùng có thể phát triển. Dấu hiệu nhiễm trùng cần sự chú ý của bác sĩ.

  • Mụt lẹo ở mắt

“Mụt lẹo mắt” là nhọt, thường do vi khuẩn tụ cầu gây ra. Nó bắt đầu trong nang lông mi mắt và có thể đỏ, ấm, sưng và khó chịu. Mụt lẹo đôi khi bị nhầm lẫn với chắp, đây cũng là một nốt trên mí mắt, nhưng chắp thường không đau và do tuyến dầu bị tắc, không phải do nhiễm trùng.

AI SẼ DỄ BỊ NHỌT?

Bất cứ ai cũng có thể bị nhọt. Nguy cơ gia tăng với:

  • Người tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm bệnh
  • Mụn trứng cá, bệnh chàm hoặc các nguyên nhân khác gây ra các vết nứt trên da
  • Bệnh tiểu đường
  • Một hệ thống miễn dịch suy yếu

ĐIỀU TRỊ: CHĂM SÓC TẠI NHÀ

Bạn có thể chăm sóc hầu hết các sang thương nhọt tại nhà. Chườm ấm, ẩm nhiều lần trong ngày để giúp mụn nhọt mở ra và thoát ra ngoài. Sau khi dịch bắt đầu chảy ra, hãy giữ cho nó sạch sẽ và tiếp tục sử dụng miếng gạc ấm – mỗi lần một miếng gạc sạch. Thay băng thường xuyên và rửa tay kỹ. Không được cố gắng nặn nhọt, điều này có thể làm cho nhiễm trùng tồi tệ hơn.

KHI NÀO CẦN THĂM KHÁM BÁC SĨ?

Nếu nhọt không lành sau một tuần chăm sóc tại nhà, hãy gọi cho bác sĩ của bạn. Các lý do khác cũng cần tham vấn bác sĩ, bao gồm:

  • Nhọt trên mặt hoặc cột sống
  • Sốt hoặc vệt đỏ xuất phát từ vết thương
  • Nhọt rất lớn hoặc đau
  • Nhọt tái phát liên tục

ĐIỀU TRỊ: THỦ THUẬT

Nếu dịch bên trong nhọt không tự chảy ra, bác sĩ có thể dùng dụng cụ vô trùng chọc vào đầu vết loét để dẫn lưu đảm bảo dịch chảy ra hoàn toàn. Nhiễm trùng sâu có thể được đắp bằng gạc vô trùng để dịch tiếp tục chảy ra. Thuốc kháng sinh và tiêm steroid đôi khi có lợi cho quá trình lành thương.

ĐIỀU TRỊ: NHỌT TÁI PHÁT

Đối với một số người, nhọt là một vấn đề thường xuyên xảy ra. Ngoài điều trị tiêu chuẩn, bác sĩ có thể cố gắng loại bỏ hoặc giảm vi khuẩn tụ cầu trong cơ thể. Điều này có thể bao gồm bất kỳ hoặc tất cả các phương pháp điều trị sau: rửa sạch bằng xà phòng sát trùng đặc biệt, sử dụng thuốc mỡ kháng sinh bên trong mũi, hoặc nếu cần, dùng 1-2 tháng thuốc kháng sinh qua đường uống.

BIẾN CHỨNG NHỌT

Hầu hết nhọt chữa lành bằng cách điều trị tại nhà hoặc đến bác sĩ. Các sang thương trên mặt có thể cần đến thuốc kháng sinh vì chúng rất gần mắt và não. Hiếm khi vi khuẩn tụ cầu từ nhọt hoặc nhọt cụm có thể xâm nhập vào máu, sau đó có thể ảnh hưởng đến tim và các cơ quan nội tạng khác.

CÁCH PHÒNG NGỪA NHỌT

Vì vi khuẩn có ở khắp mọi nơi trong môi trường của chúng ta và trên da của nhiều người, nên biện pháp bảo vệ tốt nhất chống lại mụn nhọt bao gồm:

  • Rửa tay hoặc sử dụng chất khử trùng tay có cồn
  • Làm sạch cẩn thận các vết cắt, vết trầy xước và các vết thương khác
  • Băng bó vết thương
  • Không dùng chung khăn tắm, khăn trải giường, dao cạo râu, v.v.

Giặt khăn tắm, khăn trải giường và bất cứ thứ gì khác tiếp xúc với vùng bị nhiễm bệnh bằng nước thật nóng. Vứt bỏ các băng vết thương trong một túi kín.

Bệnh Herpes – Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Chốc là gì?
Menu